Ra đời, phương châm sáng tác Xuân Thu nhã tập

Xuân Thu nhã tập ra đời trong giai đoạn mới của phong trào Thơ mới. Đó là nỗ lực tìm kiếm một con đường để thoát khỏi những bế tắc, dằn dặt của một số văn nghệ sĩ trí thức. Bởi họ ghét sự nhàm chán, sự bắt chước đã thành công thức, sự ủy mị nhạt nhẽo của một bộ phận thơ ca lãng mạn (nhất là "cái tôi", mảnh đất linh diệu của Thơ mới đã được đào sâu đến tận cùng, và đến lúc này đã mất hết sức sống)[2]. Họ khao khát tìm đến cái mới, phủ nhận và vượt lên cái cũ, cái lỗi thời... Trong xu thế đó, nhóm Xuân Thu đã:

-"Trong cái "bát nháo" của người, ta tự vạch con đường Soi sáng cái đạo thực. Trong cái vô ý thức của đời, ta tự thực hiện tới cái ta thuần túy, trí thức tuyệt vời và tuyệt đối. Ta muốn cứu vãn Trí Thức, một niềm phụng sự cái Nhạc-Đời-Đời, thường bị cái nhất thời che lấp"...-"Tìm con đường thực, nối liền nguồn gốc xưa với ước vọng nay. Gọi về những tính cách riêng của ta, để có thể xuôi chảy trong cái dòng sống thực của ta, không quanh co, lúng túng vì những ảnh hưởng ngoài"...(trích bài "Quan niệm").

Đó là lý do chính họ đã có mặt trong tiến trình lịch sử của văn học Việt [6].

Xét khía cạnh khác, ở ngay trang đầu tập sách Xuân Thu nhã tập có dòng đề tựa: "Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: Trí thức - Sáng tạo - Đạo đức ". Nghĩa đại khái là: "sự hiểu biết mở đường cho sáng tạo, và sáng tạo chân chính bao giờ cũng để đạt đến chân lý cao siêu - đó là Đạo. Đây chính là phương châm sáng tác của nhóm" [7].

Theo đó, nhóm Xuân Thu sẽ "lần giải bằng mọi phương tiện" để vươn tới mục đích. Họ viết:

-"Xuân Thu kết trong hệ tư tưởng gồm ba mối chính sẽ lần lần giải bằng mọi phương tiện (và khi cần bằng lặng lẽ): Trí thức - Sáng tạo - Đạo đức."-"Triết lý, luân lý, văn chương, nghệ thuật, hành vi đều vươn đến chỗ "trong", tới cái gì không vụ lợi, cao quý, khó khăn."-"Tìm con đường thực, nối liền nguồn gốc xưa với những ước vọng nay".-"Gọi về những tính cách riêng của ta, để có thể xuôi chảy trong cái dòng sống thực của ta. Không quanh co, lúng túng với ảnh hưởng bên ngoài."-"Ngăn cái họa mất gốc. Văn chương, tư tưởng lấy quốc văn làm khí cụ độc nhất, đào luyện trong cái đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam," v.v...(trích bài "Quan niệm")